Chàng trai Nga hai năm dọn rác ở biển Đà Nẵng

6h30 sáng ngày cuối tuần, Sasha Shakhov, 35 tuổi, cho găng tay, gắp rác, túi vào cốp xe và chạy tới bãi biển Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Ở đó đã có nhóm 20 người Việt, Australia, Mỹ và Ukraine đang đợi chàng trai người Nga. Họ đi quanh bãi biển, chân cầu, công viên, khu dân cư gom chai nhựa, bao thuốc lá, cốc giấy. Sau khoảng 30 phút, hàng chục túi rác đã được gom đến khu phân loại. "Đây là việc nhỏ mà chúng tôi muốn đóng góp cho thành phố xinh đẹp này", Sasha nói.

Sasha Shakhov từng làm nhân viên văn phòng ở Nga. Năm 2022, anh chuyển sang nghề thiết kế âm thanh cho game và trở thành digital nomad (du mục kỹ thuật số). Chàng trai từng sống ở Armenia một năm cho đến khi được bạn bè gợi ý nên sang sống thử ở Việt Nam.

Tháng 9/2023, Sasha đến Đà Nẵng và nhanh chóng "phải lòng" thành phố này. "Nó không quá lớn nhưng có đủ mọi thứ, từ biển, núi đến cộng đồng người nước ngoài, kể cả người nói tiếng Nga," anh nói.

Ngoài giờ làm việc, Sasha thường chạy xe máy quanh thành phố và trò chuyện với người Việt. Một lần, anh gặp người đàn ông cùng vợ đi tập thể dục, đi dạo dọc bờ biển vào 5h mỗi sáng và lặng lẽ nhặt rác.

"Tôi rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ vì sự tự nguyện của họ", anh nói. Hồi ở Armenia, anh từng tham gia làm tình nguyện quyên góp quần áo, thực phẩm cho người khó khăn. Đó là lần đầu anh thấy mình hạnh phúc khi làm được điều gì đó hữu ích cho người xa lạ.

Nhóm No Trash in Da Nang của

Nhóm "No Trash in Da Nang anymore" của Sasha Sakhov ở Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau lần chứng kiến cặp vợ chồng nhặt rác đó, Sasha bắt đầu đi bộ ngắm cảnh và làm sạch bờ biển.

Càng ở Việt Nam lâu, anh quen thêm nhiều người Nga, họ cùng chơi board game, xem ca nhạc, trò chuyện và nhận ra ai cũng có thời gian rảnh. "Tôi mời họ thỉnh thoảng đi nhặt rác và không ai từ chối", anh nhớ lại. Cuối năm 2023, họ tập hợp thành nhóm khoảng chục người, hai tuần gặp nhau một lần, nhặt rác ở các bãi biển Đà Nẵng và châu cầu Thuận Phước, đoạn ven sông Hàn.

Từ tháng 3/2024, họ gặp nhau hàng tuần nhưng nhiều lần, họ bận nên Sasha đi một mình. Anh nhận ra cần thêm thành viên, nhất là người Việt, vì dễ kết nối.

Giữa năm ngoái, Sasha đăng bài trên Facebook dự tính tìm vài người Việt đi cùng nhưng bài viết bất ngờ lan truyền mạnh, nhóm chat của anh đạt 100 thành viên trong một giờ. Hiện họ có gần 2.000 người, lấy tên nhóm là "No trash in Da Nang anymore" (Không còn rác ở Đà Nẵng), gặp nhau vào 6h30 mỗi sáng cuối tuần.

Bãi biển ở Đà Nẵng tương đối sạch nên nhóm thường chỉ mất 15 phút. Họ tập trung đến khu dân cư, nơi đa số là rác nhựa. Mùa hè là thời gian cao điểm nhất, tuần nào cũng có 30-50 tình nguyện viên, gom hơn 100 túi rác thải.

Đây cũng là lúc chàng trai Nga bước vào thách thức mới. "5 người thì chỉ mang đến thùng rác gần nhất nhưng hàng chục người, gom rác nhiều nên không thể bỏ bừa bãi", anh nói. Sasha liên hệ công ty môi trường, gửi ảnh và địa điểm để họ đến thu gom, giúp cả hai bên thuận lợi hơn.

Sasha Shakhov (trái) nhặt rác ở Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sasha Shakhov (trái) nhặt rác ở Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần hai năm nhặt rác, Sasha Shakhov cảm nhận được sự nhiệt tình của cộng đồng người nước ngoài (expats) lẫn người Việt. Một số khách du lịch đang trong kỳ nghỉ vẫn đăng ký, không ngại dậy sớm, tham gia cùng họ.

Đặc biệt, người trẻ Việt chiếm 80% lượng người tham gia, đa số là sinh viên và học sinh. Họ quyên góp tiền mua túi rác, kẹp nhựa. Hè năm ngoái, nhóm Sasha Shakhov đã kết hợp cùng trường đại học ở Đà Nẵng.

"Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi", anh nói. "Thiên nhiên ở đây đẹp và đa dạng, nên bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của tất cả".

Ngọc Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *