Trung QuốcCuộc sống hai mặt đối lập của cô Xiong, 26 tuổi, đã gây chú ý và định nghĩa lại lựa chọn nghề nghiệp của người trẻ.
8h sáng mỗi ngày, bác sĩ Xiong khoác áo blouse trắng, bước vào phòng điều trị tại một bệnh viện tư ở Thành Đô. Gương mặt nghiêm túc, động tác thuần thục, cô là hình mẫu lý tưởng của một bác sĩ trẻ.
Đêm xuống, chiếc áo blouse được thay bằng trang phục lao động. Cô rảo bước giữa những đống phế liệu cao ngất để phân loại sắt, thép, nhôm, đồng. Công việc kết thúc lúc 22h.
"Lúc đầu làm song song hai việc cũng đuối lắm, nhưng giờ quen rồi", Xiong nói và chỉ tay áo dính vệt gỉ sét, bắp tay 25 cm nay tăng lên 28cm.
Xiong, 26 tuổi vừa là bác sĩ, vừa làm nghề đồng nát. Ảnh: Sohu
Cuộc sống của Xiong đã khiến mạng xã hội dậy sóng. Người ngưỡng mộ ví cô như nhân vật phim, người lại dè bỉu cho rằng nghề phế liệu làm mất giá danh xưng bác sĩ. Nhưng lựa chọn của Xiong đang phản ánh cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ giá trị nghề nghiệp của người trẻ Trung Quốc hiện nay.
Tại bệnh viện, Xiong nhận mức lương 4.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng), khó sống ở thành phố. Trong khi đó bãi phế liệu nhà Xiong có lợi nhuận 800-1.000 tệ mỗi ngày (3 đến 3,6 triệu đồng), thu nhập tháng lên đến 30.000 tệ (hơn 100 triệu đồng). Nhiều chủ phế liệu thu nhập hàng triệu tệ mỗi năm.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Tây Nam (Trùng Khánh) cho thấy giới trẻ Trung Quốc đang từ bỏ quan niệm truyền thống về công việc trí óc và lao động tay chân. Họ đặt hiệu quả tài chính và tự chủ cá nhân lên trên địa vị xã hội.
Trên tài khoản video cá nhân, Xiong ghi lại hành trình làm hai nghề từ năm 2020 và hé lộ nét đẹp lao động khác. Có lúc cô cứu đống bìa carton trong cơn mưa như trút, lặng lẽ tìm ốc vít giữa đêm giá rét, hay vui sướng nhặt được chiếc khóa đồng cổ. Những hình ảnh thấm đẫm mùi đời ấy đã phá vỡ định kiến lao động tay chân là bẩn thỉu, thấp kém.
Xiong chưa từng gián đoạn công việc ở cả hai nơi. Cô vẫn là nhân viên xuất sắc của bệnh viện, đồng thời vẫn đổ mồ hôi mỗi tối tại trạm phế liệu.
Cô Xiong đang phân loại rác tại bãi phế liệu của gia đình. Ảnh: Sohu
Trước lời chỉ trích "bác sĩ mà đi làm đồng nát thì xấu hổ", cô đáp: "Kiếm được tiền, tại sao phải ngại?". Với cô, phế liệu là nghề của gia đình, là ký ức từ thuở bé đi làm cùng bố mẹ, nay họ lớn tuổi, việc tiếp nối là lẽ thường tình.
Nhưng sâu xa hơn, lựa chọn sống "hai mặt" là cách Xiong xây dựng kế hoạch B cho đời mình. Nghề bác sĩ cho cô danh tiếng và bảo hiểm xã hội, nghề thu mua phế liệu cho cô tài chính và kinh nghiệm.
"Làm nhiều một chút, bố mẹ đỡ vất vả, cũng là để dành đường lui cho mình", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)