Vừa nghe con trai kể suốt tuần qua bị bạn mắng, nhét rác vào cặp, anh Khánh bấm máy định gọi giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh kia, nhưng vợ ngăn lại.
"Anh làm thế khiến con càng bị bắt nạt hơn", chị Thu Phương, 34 tuổi, ở Hà Nội, kể chuyện về con trai lớp 4.
Tối đó hai vợ chồng ngồi trò chuyện với con. Họ ghi nhận việc con dám chia sẻ và khích lệ con mạnh mẽ hơn. Đây không phải lần đầu cậu bé gặp chuyện trêu chọc tương tự. "Con nên tránh xa khu vực của nhóm đó. Nếu bị trêu, tuyệt đối không tức giận hay đáp trả, vì như thế là đúng ý họ", chị Phương dặn dò. Ngoài ra, chị cũng nhờ một người bạn thân hàng xóm cùng lớp để ý, bảo vệ con khi cần.
Vài ngày sau, cậu bé cho biết đã làm như lời bố mẹ nói và rất có hiệu quả.
Câu chuyện của gia đình anh Khánh, chị Phương không mới, nhưng vẫn khiến nhiều người bối rối: Làm sao để bảo vệ con trước những xung đột ở học đường mà không tước đi năng lực tự vệ của trẻ?
Tiến sĩ Trần Kiều Như, chuyên gia nghiên cứu về Trẻ em và Gia đình tại Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết hành vi gây hấn trực tiếp hay gián tiếp ở trẻ, thường xảy ra trong môi trường học đường. Tâm lý học tiến hóa chỉ ra gây hấn với đồng loại là một chiến lược sinh tồn của con người. 60-70% hành vi gây hấn bị ảnh hưởng bởi gene.
"Mỗi người ít hay nhiều đều mang đặc điểm tiến hóa của sự gây hấn", tiến sĩ Như nói. "Vấn đề là cách chúng ta phản ứng với những xung đột này như thế nào".
Các nhà giáo dục Mỹ từng áp dụng chương trình "Zero Tolerance" (Không dung thứ) từ những năm 1990 nhằm ngăn chặn, trừng phạt bạo lực học đường. Sau một thời gian, tình trạng bắt nạt thậm chí tăng mạnh hơn. Hình thức kỷ luật cứng nhắc đã khiến trẻ bị loại khỏi cộng đồng học đường, mất cơ hội học tập, thậm chí rơi vào "đường ống từ trường học tới nhà tù". Từ năm 2014, nhiều bang đã dừng áp dụng.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã thay giải pháp "chống bắt nạt" bằng "xây dựng năng lực ứng phó và phục hồi" cho trẻ. "Chúng ta cần dạy trẻ không trở thành nạn nhân của bắt nạt", nhà tâm lý học Mỹ Izzy Kalman, người tiên phong cách tiếp cận này nói.
Tuy nhiên ở Việt Nam, hầu hết phụ huynh vẫn tiếp cận theo cách cũ, nghe đến "bắt nạt" là phản xạ muốn làm thay con lập tức. Giáo viên, trong khi đó, thường rơi vào thế khó. Lớp học đông, xung đột xảy ra liên tục, không phải vụ việc nào cũng nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật.
Hệ quả là thầy cô và cha mẹ nhiều lúc không tìm được tiếng nói chung.
Từ thực tế này, tiến sĩ Trần Kiều Như xây dựng một chương trình nhằm giúp cha mẹ, giáo viên và học sinh xây dựng kỹ năng để phát triển năng lực phục hồi và ứng phó với xung đột.
Chương trình dựa trên nền tảng của Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) và Giao tiếp phi bạo lực (NVC) giúp trẻ (và cha mẹ) nhận diện cảm xúc, điều chỉnh suy nghĩ, đối thoại thay vì đối đầu, không chỉ bảo vệ nạn nhân mà còn giúp trẻ gây hấn tự điều chỉnh.
Bảng đánh giá mức độ nguy cơ tác hại về mặt thân thể. Nguồn: Hammond, 2015
Bảng đánh giá mức độ nguy cơ hành vi này giúp cha mẹ và thầy cô xác định rõ mức độ tác hại của các hành vi, từ đó có thể phân loại vào các mức độ nguy cơ từ thấp đến rất cao.
Với những hành vi có nguy cơ tác hại cao đến rất cao, cha mẹ và thầy cô cần can thiệp ngay để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Đối với nguy cơ trung bình, tùy theo tình huống, việc can thiệp có thể cần được xem xét thêm để bảo vệ trẻ.
Đối với nguy cơ tác hại thân thể thấp, hãy xem là cơ hội xây dựng cho trẻ năng lực phục hồi và ứng phó.
Và dù hành vi nguy cơ ở mức độ nào, chúng ta cũng cần xây dựng cho trẻ năng lực phục hồi và ứng phó.
Theo tiến sĩ Như, đa số tình huống bắt nạt trong trường học là ở mức nguy cơ thấp. Can thiệp không khéo, vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng với cách tiếp cận mới, cha mẹ có căn cứ biết tình huống nào nên chia sẻ với cô.
Đồng thời, phụ huynh có thể hỏi: "Bạn đã làm gì con?" "Con nghĩ tại sao bạn làm vậy?" hoặc "Lần sau con sẽ làm gì khác?" Những câu này giúp trẻ suy nghĩ và đưa ra cách xử lý tình huống một cách chủ động và tự tin hơn.
Tiến sĩ Trần Kiều Như (giữa) trong một chương trình đồng hành với phụ huynh. Ảnh: K.N
Hơn nữa, ứng phó với bắt nạt không nên dừng lại ở việc giải cứu trẻ khỏi tình huống cụ thể, mà phải biến mỗi lần va chạm thành cơ hội huấn luyện kỹ năng sống.
Tiến sĩ Như đưa ra 6 năng lực giúp trẻ đứng vững giữa môi trường học đường và cuộc sống.
Cụ thể, năng lực "phục hồi cảm xúc" giúp nhận diện và điều tiết cảm xúc trước khi bị chúng chi phối; năng lực "giải quyết vấn đề" giúp trẻ biết phân tích tình huống, chọn phản ứng phù hợp; "khiêm tốn và hài hước" là biết đùa đúng lúc để hóa giải căng thẳng và giảm tổn thương.
Năng lực "quản lý phản ứng với va chạm nhỏ" giúp trẻ hiểu không phải mọi xung đột đều cần phản kháng, giúp thích nghi với môi trường đa dạng sau này; "kỳ vọng thực tế" giúp nhận thức xã hội vốn không công bằng và sự khác biệt là bình thường. Cuối cùng, "phục hồi sau nghịch cảnh" cho trẻ học từ thất bại, biến tổn thương thành cơ hội trưởng thành.
Một bạn học sinh cấp 2 kể, mỗi khi bị bạn bè trêu đùa, em phản ứng ngay lập tức "Thôi đi!" hoặc "Đừng trêu tớ nữa, tớ không thích đâu!". Có lúc em im lặng, nhưng trong lòng lại ấm ức. Sau khi học "6 năng lực cốt lõi", em nhận ra "Có lẽ mình không cần nghiêm túc quá. Biết đâu đùa lại một chút, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn".
Tiến sĩ Kiều Như gọi đây là "phản xạ đã được rèn luyện", là kết quả của một hành trình giáo dưỡng trong gia đình cũng như học và thực cách tiếp cận phục hồi này.
"Giống như cơ thể chỉ có thể kháng bệnh nếu được rèn luyện sức đề kháng, trẻ em cũng cần được ‘tiêm chủng tinh thần’ với bắt nạt bằng bản lĩnh và nội lực từ bên trong", chuyên gia nói.
Phan Dương