Sống trong ô nhiễm không khí

Ấn ĐộAmrit vội vã đưa con gái 4 tháng tuổi đến bệnh viện sau khi phát hiện cô bé có triệu chứng đau ngực.

Nhưng đến nơi, anh nhận ra con mình không phải là trẻ sơ sinh duy nhất. Phòng bệnh ở New Delhi đầy tiếng ho, khóc của trẻ em. Chúng đang vật lộn để thở.

"Ô nhiễm ở Delhi rất tệ trong khi hệ miễn dịch của trẻ rất yếu", Amrit nói.

New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới 6 năm liên tiếp, theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu của IQAir. Chỉ số ô nhiễm đã tăng vọt lên 795, gần gấp 8 lần ngưỡng thông thường. Một số khu vực ghi nhận mức ô nhiễm lên tới 1.185.

Ô nhiễm không chỉ diễn ra ở Delhi. Theo IQAir, 6 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm ngoái nằm ở Ấn Độ. Báo cáo của Viện Hiệu ứng sức khỏe Mỹ phối hợp với UNICEF công bố cho biết ô nhiễm không khí là thủ phạm của khoảng 2,1 triệu ca tử vong trong năm 2021 ở Ấn Độ. Khoảng 170.000 là trẻ dưới 5 tuổi, cao nhất toàn cầu.

"Ô nhiễm và rủi ro sức khỏe đã lan khắp Ấn Độ", Anumita Roychowdhury, giám đốc nghiên cứu và vận động tại Trung tâm Khoa học và Môi trường, nói.

New Delhi, thủ đô đông dân thứ hai thế giới, là tâm điểm ô nhiễm không khí ở Ấn Độ do nhiều nguồn như công nghiệp, bụi xây dựng, đốt rác và đặc biệt là giao thông.

Năm 2023, New Delhi bán gần 656.700 xe mới, mỗi ngày có khoảng 1,1 triệu xe ra vào thành phố. Tầng lớp trung lưu phát triển khiến nhu cầu sở hữu ôtô tăng, trong khi xe cá nhân vẫn là lựa chọn phổ biến nhất ở Delhi. "Họ đang thiết kế thành phố để lái xe, không phải để đi bộ, đạp xe hay dùng giao thông công cộng", Roychowdhury nói.

New Delhi đã ban hành các quy định khí thải nghiêm ngặt, yêu cầu dùng nhiên liệu sạch và khuyến khích xe điện, nhưng việc thực thi còn yếu. Phần lớn trong số 8 triệu xe đăng ký tính đến năm 2023 là xe cũ và gây ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí được ví như sát thủ thầm lặng. Năm 2021, công ty tư vấn toàn cầu Dalberg ước tính Ấn Độ thiệt hại 95 tỷ USD mỗi năm do giảm năng suất lao động, sụt lượng khách hàng và tử vong sớm, tương đương 3% GDP năm 2019.

Trẻ em điều trị hô hấp tại Bệnh viện Kỷ niệm Hakeem Abdul Hameed, New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: CNA

Trẻ em điều trị hô hấp tại Bệnh viện Hakeem Abdul Hameed, New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: CNA

Người dân Delhi và nhiều nơi khác ở Ấn Độ đang đứng trước lựa chọn khó khăn.

Cuối năm 2023, Madhu, một nhà văn, chuyển từ Chennai đến New Delhi vì công việc nhưng rời đi chỉ sau vài tháng do không khí ô nhiễm. "Tôi hầu như không thể ra ngoài mà không bị cảm, ho hay choáng váng", cô nói. "Khi sức khỏe ngày càng tệ, tôi nhận ra điều này không đáng".

Madhu có điều kiện để chuyển đi, nhưng hàng triệu người khác thì không.

Nhiều người nghèo ở Delhi sống gần ba bãi rác lớn của thành phố, nơi nhặt rác là nguồn sống duy nhất. Những núi rác này thường cháy, thải khói độc hại.

Muskan, một người nhặt rác, nói mùa hè luôn có rất nhiều khói, làm cay cả mắt. Tuy nhiên, gia đình cô là những người mưu sinh ở bãi rác Ghazipur, lớn và lâu đời nhất Delhi, không dám rời đi.

Ngay cả các nhà máy đốt rác phát điện cũng làm tăng ô nhiễm. Giữa sương mù mùa đông và cháy rác, người nghèo ở Delhi là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Ở phòng bệnh của con gái Amrit có bé gái tên Humaira nằm trong vòng tay mẹ. Bé nhập viện vì ho, cảm lạnh và khó thở. "Chúng tôi muốn rời Delhi, nhưng không có việc làm", anh Arif, bố cô bé, nói.

Thực tế này không chỉ diễn ra ở Delhi. Năm 2022, hơn 42% dân số Ấn Độ sống ở nơi không đạt chuẩn quốc gia về chất lượng không khí PM2.5, theo Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago.

"Ô nhiễm đáng lo, nhưng người dân còn phải lo ăn, mặc, ở", anh Harshanshu, sinh viên Đại học Delhi, nói. "Ô nhiễm sẽ được nghĩ đến sau".

Arunabha Ghosh, giám đốc Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước, nhận định ô nhiễm đang khiến Ấn Độ mất cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, dù nước này muốn mở cửa kinh tế. Ông cho rằng đầu tư vào không khí sạch là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng.

Ấn Độ đã có luật kiểm soát ô nhiễm từ năm 1981, nhưng việc thực thi còn nhiều hạn chế. Năm 2019, chính phủ khởi động Chương trình Không khí Sạch Quốc gia với ngân sách hơn 2,3 tỷ USD đến 2026 nhằm giảm ô nhiễm tại 131 thành phố.

Ở Delhi, hai tháp lọc không khí chống sương mù được xây dựng năm 2021, mỗi tháp tiêu tốn khoảng 2,4 triệu USD, chưa kể chi phí vận hành hàng tháng.

Nhưng dữ liệu cho thấy các tháp chỉ giảm ô nhiễm 17% trong bán kính 100 m, cần hơn 47.000 tháp để bao phủ toàn thành phố, điều mà Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Delhi cho là không thực tế.

Năm ngoái, khi chất lượng không khí tệ đi, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã chỉ trích ủy ban vì không thực thi chỉ thị và không xử lý vi phạm đốt rơm rạ.

"Đây là vấn đề đa ngành và cần hành trình dài", ông Arvind Nautiyal, thư ký thành viên ủy ban, nói.

Ngọc Ngân (Theo CNA)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *