Xu hướng phụ nữ ‘giữ con, bỏ chồng’

Trung QuốcTiaotiao, 40 tuổi, cảm thấy cuộc đời mình như bước sang trang mới từ khi ly hôn chồng và nuôi hai con.

Cô sinh con đầu lòng năm 30 tuổi và bị trầm cảm sau sinh khiến vợ chồng dần xa cách. Năm 34 tuổi, cô sinh con thứ hai, đồng thời mở rộng kinh doanh.

Dù thành công, cô vẫn rơi vào trầm cảm kéo dài, mâu thuẫn hôn nhân ngày càng căng thẳng khi chồng chỉ trích cô là "người mẹ tồi" vì quá bận rộn, ít có thời gian cho con.

Hai năm trước, Tiaotiao ly thân, sống cùng hai con và một bảo mẫu.

Cuộc sống của cô cải thiện rõ rệt thoát khỏi người chồng mà cô gọi là "lẫn lộn giữa quyền lợi và trách nhiệm". Không khí gia đình nhẹ nhõm hơn. Con gái lớn học nội trú trường quốc tế, về nhà mỗi tuần. Con trai học mẫu giáo quốc tế, cô và bảo mẫu thay phiên đưa đón.

Tiaotiao nói cả hai con đều ổn định về cảm xúc. Khi rảnh, cô đưa chúng đi bảo tàng, bơi và học đấu kiếm. "Hôn nhân có thể không dành cho tôi", cô nói. "Tìm người đàn ông chia sẻ cách dạy con với tôi gần như không thể".

Ngay cả khi thống nhất chuyện chăm con, vợ chồng Tiaotiao vẫn có thể mâu thuẫn ở điểm khác, thiếu gắn kết cảm xúc. Cô thừa nhận tính cách mạnh của mình không hợp với hình mẫu vợ truyền thống. "Tôi không cần hôn nhân, có con là đủ. Tôi hài lòng với việc làm mẹ theo cách của mình", cô nói.

Tiaotiao là ví dụ điển hình của xu hướng "giữ con, bỏ chồng" ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Đặc biệt, hiện tượng này phổ biến với phụ nữ thành đạt ở các đô thị ở phía nam Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến. Họ ưu tiên mối quan hệ với con cái hơn tình cảm vợ chồng.

Ảnh minh họa: Sinology

Ảnh minh họa: S__inology

Phó giáo sư Pei Yuxin, khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Tôn Trung Sơn, đã nghiên cứu xu hướng này. Thống kê cho thấy những phụ nữ này sẵn sàng làm mẹ dù lịch trình bận rộn, vì tin rằng chỉ mẹ mới mang lại hạnh phúc tốt nhất cho con.

Họ không than phiền về giới hạn hay hy sinh, mà nhấn mạnh ý nghĩa của con cái và sức mạnh, sự thấu hiểu có được từ việc nuôi con.

Tuy nhiên, họ ít kiên nhẫn với bạn đời. Một số cho biết chồng hoặc bạn trai chỉ có thể thay thế tạm thời khi họ vắng mặt, gánh vác một phần việc chăm con.

Họ thường không kỳ vọng sự giúp đỡ, chỉ mong đàn ông "đừng gây rắc rối." Nếu bạn đời gây thêm áp lực thay vì hỗ trợ, họ sẵn sàng gác bỏ vai trò giới truyền thống, tự lo mọi việc. Khi điều này mâu thuẫn với mong muốn của chồng hoặc cản trở phát triển cá nhân, họ sẽ chọn ly hôn.

Mia, 46 tuổi, là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, cô làm trong ngành dược, mở công ty riêng năm 30 tuổi và dần phát triển lên hơn 50 nhân viên. Cô sinh con trai và ly hôn cùng năm 36 tuổi. Hiện, Mia có hẹn hò nhưng không muốn tái hôn, cho rằng hôn nhân là "hợp đồng rủi ro cao, lợi ích thấp".

"Làm kinh doanh khó nhưng công bằng, bạn gặt gì gieo nấy", Mia nói. "Tình yêu cũng vậy, nó tiếp thêm năng lượng, nhưng hôn nhân quá rủi ro".

Cô tin giá trị duy nhất là mang lại con trai. Đàn ông thường là người chưa trưởng thành, muốn được chăm sóc dưới danh nghĩa cam kết hôn nhân. Do đó, Mia nói thà dồn năng lượng đó cho con, người thật sự an ủi cô.

Con trai Mia được chăm sóc bởi mẹ, bà nội và bà ngoại. Cô tin rằng tình yêu của mẹ và sự hỗ trợ đủ đầy là đủ để con lớn lên tốt. Cậu bé lịch sự, học khá, gần gũi với gia đình. Mia tin mình là một người mẹ thành công.

Dù không muốn tái hôn, Mia vẫn muốn có thêm con. Năm 2021, cô bất ngờ phát hiện mang thai hai tháng nhưng bị sảy ngay sau đó. "Hối tiếc lớn nhất của tôi là không sinh thêm con khi còn trẻ", cô nói.

Phó giáo sư Pei Yuxin cho rằng vai trò làm vợ và làm mẹ của các nữ doanh nhân này phản ánh quan điểm của họ về chuẩn mực và giá trị phụ nữ. Họ thoát khỏi trọng tâm truyền thống là nghĩa vụ làm vợ, họ sống song song hai vai trò, người xây dựng doanh nghiệp định hướng thị trường và người nuôi dưỡng con.

Dù không nhiều, vốn văn hóa từ vị trí lãnh đạo trong công ty, cộng đồng hoặc truyền thông giúp họ có sức ảnh hưởng. Việc họ bác bỏ "nghĩa vụ làm vợ" và thiết lập quy tắc làm mẹ mới, như ưu tiên vai trò người mẹ là người chu cấp và đề cao thời gian chất lượng với con, có thể trở thành hình mẫu cho phụ nữ khác.

"Tuy vậy, cách sống này có giới hạn", bà nói. "Không phải phụ nữ nào cũng đủ mạnh và độc lập tài chính để nuôi con một mình, nên đây có thể chỉ là đặc quyền của số ít người thành công".

Khảo sát của bà Pei Yuxin cũng cho thấy họ chọn từ bỏ mô hình hôn nhân truyền thống chứ không thách thức nền tảng giới trong chăm sóc. Họ cũng không muốn đầu tư thời gian và năng lượng để thay đổi quan niệm về vai trò làm cha hay định nghĩa lại quan hệ thân mật.

"Nói cách khác, nhóm phụ nữ có khả năng thay đổi vai trò giới lại chọn tập trung vào bản thân thay vì đối mặt với thách thức này", bà nhấn mạnh.

Ngọc Ngân (Theo Sixth Tone)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *